TS Vũ Thị Tú Anh giải đáp vướng mắc cho các đại biểu tại Hội thảo
TS. Vũ Thị Tú Anh – Phó Trưởng Ban thường trực BQL Đề án NNQG 2020 (Bộ GD&ĐT); PGS Đặng Văn Minh – Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên; ông Phí Đức Nam – Đại diện Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT) đã giải đáp các băn khoăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án NNQG 2020 từ đại diện các Sở GD&ĐT.
Câu hỏi từ các Sở GD&ĐT tập trung về vấn đề chuyên môn trong dạy tiếng Anh, khảo thí, cách sử dụng kinh phí và xã hội hóa trong triển khai Đề án, vấn đề thủ tục trong hợp tác quốc tế, nội dung bồi dưỡng giáo viên, bài toán sĩ số lớp học quá đông, khó đạt được đúng theo chuẩn số lượng học sinh/lớp mà Đề án đề ra, giáo viên không đạt chuẩn thì làm thế nào?...
Bên cạnh việc đặt câu hỏi cho Ban quản lý và lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT), các đại biểu còn trao đổi kinh nghiệm giữa các Sở về việc triển khai xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, đặt ra những tình huống cụ thể trong thực tế để đơn vị bạn giải đáp.
Xây dựng đơn vị điển hình khác ở tổ chức giờ lên lớp, không khác ở thiết bị.
Đây là khẳng định của ông Phí Đức Nam với các đại diện Sở GD&ĐT khi đưa ra các chỉ dẫn, tư vấn về đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho các cơ sở.
Theo ông Phí Đức Nam, trong cái chung về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường, Bộ GD&ĐT luôn có văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể, nhưng không thể đến tận cùng của tất cả mọi vấn đề vì mỗi địa phương mỗi cơ sở có một đặc điểm riêng mang tính đặc thù, vì vậy không ở đâu bằng chính cơ sở lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp.
Quan trọng nhất là cần có kế hoạch mua sắm, yêu cầu căn cứ vào nội dung của chương trình dạy – học để lập kế hoạch; căn cứ vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh phí đảm bảo hiệu quả đáp ứng yêu cầu tối thiểu để xây dựng chương trình, không gây lãng phí.
Tại Hội thảo, cách làm trong mua sắm trang thiết bị triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Sở GD&ĐT Ninh Bình được tuyên dương khi tiền hành phát các mẫu phiếu khảo sát đầu tư trang thiết bị đến giáo viên, nhà trường trước khi đầu tư mua sắm.
“Đến giai đoạn này, qua một số lần giao ban, kiểm tra ở địa phương có thể thấy việc để các cơ sở đầu tư hiện tại là tập huấn năng lực sử dụng thiết bị, chuyển giao công nghệ cho giáo viên. Cần nhớ xây dựng đơn vị điển hình đổi mới dạy – học ngoại ngữ khác ở tổ chức giờ lên lớp chứ không phải khác ở thiết bị” – ông Phí Đức Nam nhấn mạnh.
Địa phương hoàn toàn chủ động trong phân bổ kinh phí
Về kinh phí đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, theo đại diện Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT), tiêu chí quan trọng nhất là kế hoạch của các Sở được thực hiện từ tháng 7 năm trước. Đến tháng 7 các Sở chưa lập kế hoạch này sẽ rất khó để căn cứ để có kế hoạch ngân sách.
Kinh phí cho các chương trình mục tiêu hỗ trợ cho các tỉnh không đều nhau do điều kiện kinh tế của các vùng, miền. Toàn bộ kinh phí tính trên nhu cầu thực tiễn của các địa phương. Vì là kinh phí hỗ trợ nên còn phải huy động kinh phí đối ứng từ địa phương, XHH…
Đáng chú ý, huy động được kinh phí, nhưng vấn đề là sử dụng thế nào cho đúng mục đích lại phụ thuộc vào chính các cơ sở. Kinh phí này được Bộ Tài chính chuyển thẳng về UBND tỉnh, hòa vào kinh phí tổng của địa phương, sau đó sự phân bổ như thế nào Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp sâu mà là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo từ các tỉnh.
Các chuyên gia thảo luận bên lề Hội thảo |
Cơ chế, chính sách, kế hoạch trong triển khai Đề án
Đây là các nội dung được đại biểu nêu câu hỏi nhiều nhất và được TS Vũ Thị Tú Anh trả lời rất cụ thể, chi tiết.
Về khảo thí, hiện đã có chuẩn đo dựa trên khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho người Việt Nam. Các Sở GD&ĐT, các đơn vị đã có những hướng dẫn chi tiết của các Vụ, bậc học về công cụ đo. Các tỉnh mong muốn là có một bộ đề thi chung, đây là phương án chắc chắn sẽ được thực hiện. Năm 2014 sẽ có một bộ định dạng đề thi chung cuối cấp của các trình độ. Ngân hàng đề thi sẽ được xây dựng bước 1 và sẽ sớm đưa vào sử dụng.
Về chương trình nhà trường hay tài liệu do nhà trường lựa chọn khi triển khai đổi mới dạy - học ngoại ngữ theo hướng giao tiếp, các Vụ, bậc học đã có công văn hướng dẫn cụ thể. Hiệu trưởng nhà trường chủ động báo cáo với Giám đốc Sở về sự lựa chọn của đơn vị và chịu trách nhiệm về chất lượng. Bộ GD&ĐT không chỉ định mua một phần mềm mà chỉ giới thiệu những phần mềm hiệu quả, từ đó, các cơ sở có sự lựa chọn phù hợp.
Về bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn và cận chuẩn nằm trong lộ trình do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng và quy hoạch, như việc Sở dừng dạy ngoại ngữ tại một số đơn vị, một số cấp học để bồi dưỡng GV.
Đây là vấn đề được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh tại nhiều Hội nghị: Không thể cứ lê mãi đoàn tàu không đạt chất lượng - Tức là chúng ta không thể tiến hành cùng một lúc tất cả mọi việc. Do đó nếu xác định ưu tiên bồi dưỡng giáo viên, các Sở có thể sẵn sang chủ động trong phần việc này.
Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, TS Tú Anh đồng ý với nhiều đại biểu, rằng việc giao kinh phí cho địa phương triển khai bồi dưỡng tập huấn nước ngoài năm ngoái là một giải pháp khó khả thi. Rút kinh nghiệm, quan điểm năm nay phân bổ ngân sách về địa phương có kế hoạch từ Trung ương, sẽ có điều chỉnh để thực hiện cho hiệu quả.
Đề án đang cố gắng khắc phục khó khăn nhằm đẩy nhanh tốc độ bồi dưỡng trong nước để có nguồn bồi dưỡng giáo viên cốt cán tại nước ngoài.
Đối với các trường điển hình trong 37 tỉnh sẽ dùng nguồn Ngân sách trung ương và địa phương để bồi dưỡng cốt cán với 10 triệu của Trung ương dành cho chương trình, tài liệu, giáo viên..., 10 triệu của địa phương dành cho ăn - ở, đi lại, công tác phí.
Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài nằm trong khung tuyển dụng chung giáo viên, Đề án sẽ tham mưu tiếp với Vụ hợp tác quốc tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
Về cơ chế hoạt động của các Ban chỉ đạo, BQL Đề án các địa phương, đơn vị, BQL Đề án NNQG 2020 cho biết: Đây là chương trình mục tiêu quốc gia, không phải là chương trình vốn vay, vốn viện trợ quốc tế. Theo đó, không có cơ chế thù lao cho công tác điều phối và quản lý. Tuy nhiên, BQL Đề án cũng khuyến khích các địa phương, đơn vị tham mưu lãnh đạo các cấp để có những đãi ngộ thích hợp cho các đối tượng này.
Tiêu chí số 1 trong phân bổ Ngân sách
Tiêu chí đầu tiên là phải có kế hoạch – lãnh đạo BQL Đề án khẳng định. Những Sở không có kế hoạch thì sẽ không được nhận Ngân sách. Năm nay, tiêu chí quan trọng số 1 là hiệu quả chất lượng triển khai chương trình tại địa phương.
Theo TS Tú Anh, Ngân sách từ Trung ương rót xuống địa phương luôn đảm bảo định hướng ưu tiên cho bồi dưỡng giáo viên, chưa đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị. Khi Ngân sách về địa phương, cơ cấu phân bổ vốn do địa phương chủ động. Giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tham mưu này.
BQL Đề án sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, giám sát và thường xuyên có báo cáo tình hình. Trên cơ sở đó, việc xây dựng kế hoạch, thực hiện triển khai kế hoạch, cụ thể như: Các nhiệm vụ trọng tâm, cơ cấu phân bổ vốn, nguồn vốn... sẽ được công khai, là căn cứ để phân bổ Ngân sách có hiệu quả.
Khó khăn đổi mới dạy - học ngoại ngữ trong lớp học có sĩ số học sinh đông là thực tế diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Theo các chuyên gia, không thể lúc nào cũng làm theo hướng lý tưởng mà cần triển khai theo thực tế. Dạy ngoại ngữ theo hướng giao tiếp về bản chất có nhiều cấp độ, theo đó, sẽ dạy giao tiếp trong lớp học 25 học sinh, 40 học sinh. Lúc này, rất cần sự sáng tạo của giáo viên. "Tiền, kinh phí là yếu tố quan trọng, nhưng cần nhất là sự sáng tạo, nhiệt tình từ giáo viên" - TS Vũ Thị Tú Anh chia sẻ.