1. Đặt vấn đề
2. Khái niệm
a) Năng lực, năng lực chung, và năng lực ngoại ngữ
Các nghiên cứu trong giáo dục (vd: Spencer & Spencer, 1993) đã nêu hai nhóm năng lực cần hình thành và phát triển là nhóm năng lực chung (general competencies) và nhóm năng lực chuyên biệt (specific competencies).
Theo báo cáo của UNESCO (1996), thế kỷ 21 đòi hỏi giáo dục chuyển từ tập trung xây dựng từng kỹ năng, kiến thức riêng lẻ sang phát triển các các năng lực chung sử dụng trong tất cả các lĩnh vực cũng như các năng lực chuyên biệt cho các lĩnh vực, môn học cụ thể để đáp ứng nhu cầu của một xã hội đầy biến động.
Năng lực chung bao gồm năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản lý, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông…
Năng lực chuyên biệt là năng lực riêng được hình thành và phát triển ở một lĩnh vực hoặc là năng lực môn học cụ thể, như năng lực ngoại ngữ trong môn tiếng Anh.
Theo Bachman và Palmer (1996), năng lực ngôn ngữ giao tiếp (communicative language competence) bao gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp. Năng lực ngôn ngữ (linguistic competence) là năng lực sử dụng các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm vào các mục đích giao tiếp trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp (strategic competence) cho phép người học sử dụng ngôn ngữ phù hợp với ngữ cảnh và hoàn cảnh văn hóa-xã hội.
b) Kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực
c) Kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra năng lực tiếng Anh
Như vậy, kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra năng lực tiếng Anh cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh là một quá trình kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực ngoại ngữ cho người học, trong đó người đánh giá tương tác với người học thông qua các công cụ đánh giá đa dạng để thu thập các biểu hiện, các minh chứng về năng lực chung, năng lực ngôn ngữ và năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp của người học. Người đánh giá cũng như người học sử dụng các đặc tả mô tả các năng lực cụ thể cần đạt ở bậc 5 trong KNLNNVN (2014) hoặc ở trình độ C1 trong Khung tham chiếu châu Âu – CEFR (COE, 2001) để đưa ra nhận định về mức độ đạt hay không đạt về năng lực ngoại ngữ của người học, từ đó có kế hoạch điều chỉnh cách dạy cũng như cách học để phát triển năng lực ngoại ngữ đảm bảo chuẩn đầu ra cho người học.
3. Phân biệt giữa kiểm tra đánh giá tập trung vào nội dung kiến thức ngôn ngữ với kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực ngoại ngữ tiếng Anh
Trước đây, khi mục tiêu giáo dục nghiêng về truyền thụ kiến thức càng nhiều càng tốt thì kiểm tra đánh giá thường được sử dụng để so sánh kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học với mục tiêu của chương trình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt. Cụ thể với môn tiếng Anh, người đánh giá chủ yếu thu thập thông tin và kết luận về mức độ người học ghi nhớ và tái hiện các kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, về mức độ người học thể hiện kỹ năng đọc hiểu, nghe hiểu, kỹ năng nói và viết trong một số chủ điểm nhất định, được quy định trong nội dung giảng dạy. Phương pháp đánh giá chủ yếu là các bài kiểm tra định kỳ dưới hình thức viết hoặc vấn đáp.
Hiện nay, khi mục tiêu giáo dục chuyển sang đào tạo và bồi dưỡng năng lực, phẩm chất cho người học thì việc thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục đang đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp đánh giá. Thay vì chỉ đánh giá kiến thức, kỹ năng mà người học nắm được, người đánh giá còn phải theo dõi và khích lệ quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học, kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá thường xuyên và định kì của người dạy với việc tự đánh giá của người học, đánh giá của nhà trường và đánh giá của xã hội. Cụ thể với môn tiếng Anh, người đánh giá thu thập thông tin và đưa ra nhận định về mức độ người học ghi nhớ, tái hiện và vận dụng các hiểu biết chung, các kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để hiểu, phân tích, đánh giá và phản biện các nội dung đọc và nghe, tương tác nói và viết về các chủ điểm tương tự như nội dung giảng dạy nhưng gắn liền với thực tế và bản thân người học. Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng đa dạng (từ đánh giá qua bài kiểm tra (tests) đến các hình thức đánh giá phi-kiểm tra (non-tests) như quan sát, phát vấn, hồ sơ học tập, dự án học tập…).
Nhìn chung, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ hướng theo chuẩn đầu ra đòi hỏi giáo viên chuyển trọng tâm từ kiểm tra trí nhớ máy móc của người học về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, ngữ âm riêng lẻ sang kiểm tra, đánh giá năng lực giao tiếp, vận dụng các kiến thức ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Ngoài ra, đánh giá năng lực ngoại ngữ không hoàn toàn phải dựa vào chương trình thực hành tiếng như đánh giá kiến thức, kỹ năng, bởi năng lực ngoại ngữ là tổng hòa, kết tinh kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, thái độ, tình cảm, giá trị, chuẩn mực đạo đức,… được hình thành từ nhiều lĩnh vực học tập và từ sự phát triển tự nhiên về mặt xã hội của một con người.
4. Lộ trình đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực ngoại ngữ hướng tới chuẩn đầu ra bậc 5 (KNLNNVN) hoặc bậc C1 (CEFR) cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh
Bước 1: Xác định lại phương thức đào tạo của toàn bộ chương trình Thực hành tiếng (Nghe, Nói, Đọc, Viết) theo hướng phát triển năng lực ngoại ngữ tiếng Anh hướng tới chuẩn đầu ra bậc 5 (KNLNNVN) hoặc bâc C1 (CEFR). Cụ thể cần xác định: các hình thức, nội dung dạy-học và kiểm tra đánh giá nào hình thành, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển những năng lực chung (như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản lý, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.)
Bước 3: Thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá đa dạng có thể thu thập được các biểu hiện (indicators) hành vi (behaviour) và hành động (actions/performance) của người học tương ứng với các năng lực chung, năng lực ngôn ngữ và năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp cần hình thành, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển
Một số ví dụ về các loại hình kiểm tra đánh giá:
Kiểm tra đánh giá tổng kết (summative assessment) và kiểm tra đánh giá quá trình phục vụ học tập (formative assessment)
Kiểm tra đánh giá thường xuyên (continuous) và kiểm tra định kỳ (periodic/fixed-point)
Kiểm tra đánh giá bằng các hình thức trực tiếp (direct) và gián tiếp (indirect)
Kiểm tra đánh giá thông qua việc trình diễn/thể hiện kỹ năng, năng lực (performance assessment) và kiểm tra đánh giá kiến thức (knowledge assessment)
Kiểm tra đánh giá theo điểm số (rating) hay theo bảng kiểm (checklist) các hành vi, biểu hiện
Kiểm tra đánh giá được thiết kế và thực hiện bởi giáo viên (teacher assessment) hay bởi học sinh (self-/peer- assessment)
Chấm điểm theo tiêu chí từng mục nhỏ (analytical) hay chấm điểm dựa trên cảm nhận chung về tổng thể (holistic)
Chấm điểm theo cảm tính (subjective) hay chấm điểm dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá (objective/guided judgement)
Bước 4: Sử dụng các thông tin, minh chứng thu thập được về năng lực chung, năng lực ngôn ngữ và năng lực sử dụng chiến lược giao tiếp của người học để có các quyết định tiếp theo như kết luận về năng lực của người học, xét hết môn, xét lên lớp, báo cáo giải trình về chất lượng đào tạo, rút kinh nghiệm cho người học tiến bộ hoặc giúp người học lập kế hoạch học tập, hỗ trợ giảng dạy và học tập …
5. Thách thức
Mặc dù đã ý thức được và đã tiến hành đổi mới phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá, nhưng đa số giảng viên ngoại ngữ – các sản phẩm giáo dục theo hướng tập trung vào nội dung kiến thức một thời, vẫn bị ảnh hưởng của phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá truyền thống. Điều đó thể hiện ở các đặc điểm sau:
Tiếp cận một chiều, coi giáo viên là nguồn duy nhất truyền thụ kiến thức, còn học sinh là người lĩnh hội tri thức nên việc kiểm tra đánh giá vẫn tập trung nhiều vào việc ghi nhớ và tái tạo lại kiến thức đã dạy;
Chưa tạo nhiều cơ hội để kiểm tra đánh giá việc học sinh áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào mục tiêu giao tiếp thực thụ bằng tiếng Anh trong các tình huống thực tiễn của cuộc sống;
Chưa kiểm tra đánh giá được sự kết nối giữa cái đã biết và cái mới giữa các phân môn Thực hành tiếng;
Các công cụ đánh giá và dạng bài kiểm tra đánh giá chưa làm người học bộc lộ được các năng lực ngoại ngữ tiềm tàng của mình, chưa tạo cơ hội cho người học hình thành và phát triển các năng lực tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề…
Kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá, trong đó việc thay đổi triết lý đánh giá và trọng tâm kiểm tra đánh giá là quan trọng nhất.
Cụ thể, triết lý đánh giá đề cao vai trò to lớn của kiểm tra đánh giá trong việc hỗ trợ người học phát triển năng lực thay vì gạt bỏ họ ra khỏi việc học tập.
Trọng tâm kiểm tra đánh giá không phải là các kiến thức ngôn ngữ riêng lẻ về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp hay các kỹ năng riêng lẻ nghe, nói, đọc, viết mà là sự vận dụng phối hợp các kiến thức và kỹ năng đó trong các tình huống giao tiếp dưới dạng một vấn đề mới đối với người học. Như vậy, nội dung học tập mang tính tình huống, tính bối cảnh và tính thực tiễn.
Kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực ngoại ngữ được xây dựng trên cơ sở chuẩn năng lực đầu ra kỳ vọng theo KNLNNVN hoặc khung CEFR. Năng lực giao tiếp chủ yếu được hình thành qua hoạt động tương tác trong môi trường giao tiếp, bao gồm tại lớp và ngoài xã hội. Hệ thống bài tập định hướng phát triển năng lực giao tiếp là công cụ để người học luyện tập nhằm hình thành năng lực ngoại ngữ và là công cụ để giáo viên đánh giá năng lực của người học và biết được mức độ đạt chuẩn của quá trình dạy học.
Xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá và cân nhắc những thách thức mà việc triển khai đang gặp phải là những bước đi đầu tiên đưa việc kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực hướng tới chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ vào thực tiễn tại các trường đào tạo tiếng Anh.
Dẫu chặng đường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm dạy tốt, học tốt, đáp ứng mục tiêu đào tạo giáo viên đảm bảo đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh cần không ngừng học hỏi để thành công trong kiểm tra đánh giá sinh viên theo hướng phát triển năng lực hướng tới chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ.