Bắt kịp xu thế

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã triển khai 8 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đồng thời phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến. Năm 2020, ĐHTN xây dựng 15 chương trình đào tạo định hướng chất lượng cao.

“Thông qua quá trình này, chúng tôi sẽ xây dựng một đội ngũ giảng viên có tầm chuyên gia về phát triển chương trình làm nòng cốt đổi mới giáo dục đại học trong giai đoạn tới” - GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN cho biết.

Từ định hướng phát triển của ĐHTN, các trường ĐH trực thuộc tích cực triển khai trong chương trình đào tạo cụ thể. Trường ĐH Khoa học (ĐHTN) có 3 chương trình trọng điểm chất lượng cao được xây dựng và bắt đầu đào tạo từ năm 2020, gồm: Kỹ thuật xét nghiệm y - sinh; Dịch vụ pháp luật; Quản trị khách sạn và resort.

Xóa mù tiếng Anh cho sinh viên vùng khó.jpg

Sinh viên ĐH Khoa học thực hành thí nghiệm

“Với chương trình bảo đảm chuẩn đầu ra theo bộ tiêu chuẩn CDIO, đồng thời có sự cân đối giữa trang bị kiến thức kỹ năng nghề nghiệp với phát triển kỹ năng mềm và ngoại ngữ, người học có đủ khả năng làm việc tốt cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay sau khi ra trường” - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, chương trình được thiết kế với học kỳ đầu tiên tập trung học tiếng Anh, trong đó 70% thời lượng do giảng viên người nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Thời lượng cho sinh viên thực hành, thực tập tối thiểu là 30% (riêng ngành Quản trị khách sạn và resort là 50%). Môi trường thực hành thực tập có tính chuyên nghiệp cao: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, phòng khám hiện đại, các tập đoàn nước ngoài và liên doanh, khách sạn và resort từ 4 sao trở lên…

Đào tạo song hành kiến thức, kỹ năng

Với Trường ĐH Nông Lâm (ĐHTN), chương trình tiên tiến hiện đang áp dụng với 3 ngành: Khoa học và quản lý môi trường; Công nghệ thực phẩm; Kinh tế nông nghiệp. Nội dung chương trình các ngành này được nhà trường nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Australia, qua kiểm định quốc tế và được nhà trường triển khai đào tạo bằng tiếng Anh, với 30% giảng viên người nước ngoài.

“Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được xu hướng phát triển nông lâm nghiệp hiện đại, với mẫu người lao động không chỉ có trình độ, kiến thức mà còn có năng lực ngoại ngữ và tinh thần kỷ luật tốt, phục vụ thị trường trong và ngoài nước” - PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm chia sẻ.

Giảng viên người nước ngoài hướng dẫn sinh viên thực tập 

Cùng trong xu hướng đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐHTN) triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao với 2 ngành: Công nghệ thông tin; Thương mại điện tử. “Định hướng đào tạo sinh viên công nghệ thông tin hiện nay phải mang tính toàn cầu. Nhà trường nỗ lực để đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đặc biệt hướng tới đối tượng, phân khúc người học cần những chương trình chất lượng cao để đáp ứng khả năng làm việc giữa xu thế toàn cầu hóa” - TS Đỗ Đình Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông phân tích.