Ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản – cho biết: Theo kết quả điều tra của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản vào năm 2015, trên thế giới có 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện giảng dạy tiếng Nhật với số lượng các cơ sở đào tạo tiếng Nhật là 16.179, số người học tiếng Nhật là trên 3,6 triệu người. Riêng tại Việt Nam có 219 cơ sở giảng dạy và gần 65 nghìn người học tiếng Nhật. Thời điểm hiện tại, cơ sở dạy học và số người học tiếng Nhật gia tăng.
Nhìn vào số lượng người học, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á về số lượng người học tiếng Nhật. Tại kỳ thi năng lực tiếng Nhật năm 2017, Việt Nam có trên 72 nghìn người tham gia thi, đứng thứ 3 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng người thi.
Ông Ando Toshiki phát biểu tại hội thảo |
Ông Ando Toshiki cho rằng, số lượng người học tiếng Nhật tăng kéo theo thách thức về việc đảm bảo chất lượng.
“Tôi nghĩ rằng, các cơ sở đào tạo tiếng Nhật với trọng tâm là các trường ĐH, đặc biệt là trường ĐH tại Việt Nam có một số quan điểm về chất lượng và nội dung giảng dạy tiếng Nhật. Tuy nhiên, một trong những quan điểm rất quan trọng theo tôi là “giảng dạy tiếng Nhật trong đào tạo nguồn nhân lực”.
Hiện nay, có lẽ chúng ta cũng ý thức được vấn đề này mạnh mẽ hơn trước đây, rằng thông qua giảng dạy ngôn ngữ học, giảng dạy tiếng Nhật, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới sẽ phải vượt lên trên việc chỉ dạy từ vựng và ngữ pháp” - ông Ando Toshiki cho hay.
Xét từ vai trò của các trường ĐH Việt Nam, ông Ando Toshiki cho rằng có 2 vấn đề chính trong đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu xã hội thực tế như thương mại và đào tạo nhân lực có thể đảm đương nhiệm vụ nghiên cứu nhiều lĩnh vực như tiếng Nhật, giảng dạy tiếng Nhật, xã hội Nhật Bản, văn hóa…
Đồng thời, với cơ sở giảng dạy tiếng Nhật bậc ĐH, CĐ, việc đào tạo nhân lực tập trung vào học thuật và nghiên cứu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều trường ĐH Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai các nội dung và tiêu chuẩn nghiên cứu mang tính quốc tế.
Bà Ai Chumam - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - phát biểu tại hội thảo |
Chia sẻ tại hội thảo, bà Ai Chumam - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – cho biết: Tăng cường công tác giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản luôn là một trong những nội dung ưu tiên được đặt ra giữa 2 nước.
Ngày 18/10 vừa rồi, tại hội đàm cấp cao Việt – Nhật giữa Thủ tướng Shinzo ABE và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã nhất trí tăng cường công tác giáo dục tiếng Nhật, trong đó có bao gồm nội dung bồi dưỡng, đào tạo giáo viên tiếng Nhật.
Theo điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, năm 2015 đã có 46 trường ĐH của Nhật Bản đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam – nhiều thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan. Từ năm nay, danh sách các chương trình được tiến hành giữa các trường ĐH Nhật Bản và Việt Nam sẽ được đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản.